Không phải điều hòa hay tủ lạnh, mà chính những thiết bị nhỏ như bộ sạc, wifi hay nồi cơm điện mới là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng đều mỗi tháng.
Những thiết bị tiêu thụ điện dù không hoạt động
Theo ông Michael Bluejay, chuyên gia năng lượng tại Austin, Texas (Mỹ) và là tác giả trang web Saving Electricity, nhiều thiết bị trong gia đình vẫn âm thầm tiêu thụ điện ngay cả khi không hoạt động.
“Chúng tôi gọi đó là điện năng rò rỉ, phần điện năng mà thiết bị vẫn tiêu hao khi ở chế độ chờ hoặc cắm sẵn nhưng không sử dụng. Trung bình một gia đình có thể thất thoát tới 10% tổng lượng điện chỉ vì lý do này,” ông Bluejay chia sẻ.

Những thiết bị dễ gây lãng phí điện gồm: bộ phát Wi-Fi, sạc điện thoại, máy tính để bàn, tivi, đầu đĩa, loa thông minh và nồi cơm điện. Những thiết bị này tuy công suất nhỏ nhưng hoạt động liên tục, dẫn đến mức tiêu hao điện đáng kể theo thời gian.
Wi-Fi: Luôn hoạt động 24/24, tiêu tốn khoảng 15–25W. Trung bình một tháng có thể ngốn 7 – 10 số điện
Sạc điện thoại, laptop: Bộ sạc vẫn âm thầm tiêu thụ điện nếu để nguyên trong ổ.
Tivi, đầu đĩa, loa thông minh: Ở chế độ chờ vẫn tiêu tốn từ 1 – 10W.
Máy tính để bàn: Nếu không tắt hẳn mà chỉ để chế độ ngủ, máy vẫn tiêu hao điện.
Nồi cơm điện giữ ấm lâu: Chế độ giữ ấm liên tục tiêu tốn điện, khiến lượng điện tiêu thụ tăng vọt nếu kéo dài nhiều giờ.
Giải pháp đơn giản tiết kiệm điện hiệu quả
Để tiết kiệm điện hiệu quả, ông Michael Bluejay khuyến nghị:
- Nhớ rút phích cắm thiết bị khi không sử dụng.
- Sử dụng ổ cắm có công tắc hoặc ổ cắm thông minh để tự động ngắt điện.
- Hạn chế để nồi cơm điện giữ ấm quá lâu.
- Tắt Wi-Fi vào ban đêm.
- Rút sạc khi các thiết bị đã được sạc đầy.
Trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng và nhu cầu tiết kiệm năng lượng trở nên cấp thiết, việc kiểm soát các thiết bị âm thầm tiêu hao điện là điều không thể xem nhẹ. “Tiết kiệm điện không chỉ để giảm chi phí mà còn là trách nhiệm với môi trường. Mỗi gia đình tiết kiệm một chút, cộng lại sẽ là con số rất lớn,” ông Bluejay nói.
Nguồn: Báo Lao Động